Hòa giải thương mại trong hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) - Một giải pháp giải quyết tranh chấp vẹn toàn
Please download our legal briefing here.
Ngày xuất bản:
5/11/2024
January 17, 2024

Tranh chấp trong hoạt động mua bán sáp nhập ngày càng phức tạp, liên quan đến các bên đến từ các quốc gia khác nhau với văn hóa và nền tảng pháp lý khác biệt. Bài viết này nêu ra một số đặc trưng cơ bản của hoạt động mua bán sáp nhập, cung cấp một số thông tin cơ bản về hoạt động hòa giải, và giải thích vì sao hòa giải được xem là một phương thức vẹn toàn cho việc giải quyết tranh chấp trong hoạt động M&A.

Một số đặc trưng cơ bản về M&A

Trong những năm gần đây, thuật ngữ M&A (mua bán và sáp nhập) đã trở nên khá quen thuộc và được ưa chuộng trong cộng đồng doanh nghiệp. Có thể nói, hoạt động mua bán và sáp nhập (dưới đây được gọi tắt là “M&A”) liên quan trực tiếp đến giao dịch gắn với doanh nghiệp, trong đó các công ty cùng nhau tiến tới “hôn nhân” nhằm đạt được những mục tiêu trong kinh doanh. Phần lớn các bên trong giao dịch M&A tự nguyện tham gia vào giao dịch nhằm mục tiêu nhanh chóng phát triển thị phần, mở rộng phạm vi hoạt động, đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện hệ thống quản trị … Bên được mua lại cũng được hưởng lợi trong việc tiếp cận công nghệ, kỹ thuật mới, …

Phần lớn các giao dịch M&A gắn với những giao dịch có giá trị cao, từ vài triệu đô đến hàng tỷ đô la Mỹ, đặc biệt có nhiều trường hợp liên quan đến nhiều bên đến từ các quốc gia với văn hóa và nền tảng pháp lý khác biệt. Rủi ro phát sinh tranh chấp liên quan đến hoạt động M&A cũng rất cao nếu các bên không thực sự có thiện chí trong quá trình thực hiện giao dịch. Thực tiễn cho thấy xung đột hoặc tranh chấp có thể xảy ra tại bất kỳ thời điểm nào của giao dịch: từ giai đoạn khởi đầu khi 2 bên cùng ngồi xuống bàn đàm phán các điều khoản và điều kiện của hợp đồng mua bán sáp nhập cho đến giai đoạn hoàn tất giao dịch, và giai đoạn giải quyết các hậu quả sau khi đã hoàn tất giao dịch.

Các xung đột và tranh chấp thường gặp trong M&A

Trong giai đoạn ban đầu, xung đột thường thấy liên quan đến các trường hợp vi phạm bản ghi nhớ (MoU/Termsheet) hoặc thư thể hiện ý định (Letter of intent). Trong giai đoạn này, các bên thường thỏa thuận với nhau về các điều khoản cơ bản của giao dịch, giá chuyển nhượng dự kiến (kèm theo điều kiện cụ thể), và thông thường sẽ có các quy định độc quyền đàm phán trong một khoản thời gian (trừ trường hợp tham gia đấu giá), và bảo mật thông tin … Theo thông lệ, các bản ghi nhớ/thư thể hiện ý định thường không có giá trị ràng buộc pháp lý đối với các bên ngoại trừ nghĩa vụ bảo mật phải luôn được áp dụng ở bất kỳ giai đoạn nào.

Trong giai đoạn đàm phán, xung đột thường xảy ra liên quan đến rất nhiều nội dung, các trường hợp điều chỉnh giá mua, các điều kiện tiên quyết mà bên bán phải đáp ứng trước khi hoàn tất (nhận được các giấy phép cần thiết, khắc phục các sai sót trong quá khứ …), các điều khoản phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm, phương án xử lý tiền đặt cọc (trong trường hợp có đặt cọc), các cam đoan và bảo đảm của mỗi bên và các hệ quả tương ứng nếu cam đoan và bảo đảm không đúng với thực tế …. Có nhiều trường hợp, các bên mất hàng năm trời với rất nhiều nỗ lực để đàm phán các điều khoản hợp đồng có thể đáp ứng được mong muốn của cả 2 bên. Có vài trường hợp bên mua phải cùng lúc đàm phán với rất nhiều cổ đông với yêu cầu và mong muốn khác nhau vì các cổ đông không thống nhất trong một số nhu cầu và lợi ích đặt ra khi đàm phán giao dịch. Cá biệt có trường hợp đã đàm phán xong hợp đồng nhưng đến ngày ký kết thì một vài cổ đông thay đổi ý kiến gây cho bên mua (là nhà đầu tư nước ngoài) hết sức bức xúc. Đơn cử như trường hợp chuyển nhượng nhà máy sản xuất thực phẩm trị giá 1.500 tỷ đồng, bên mua là nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, bên bán là tập thể các thành viên của một gia đình Việt mà trong đó người chủ doanh nghiệp đã dành hơn 30 năm để xây dựng và phát triển một thương hiệu sản xuất thực phẩm hàng đầu Việt Nam. Các bên đã dành ra 9 tháng để đàm phán và thống nhất ký kết thỏa thuận chuyển nhượng vốn, đến khi chuẩn bị hoàn tất giao dịch và bàn giao giữa bên bán và bên mua thì nảy sinh xung đột. Bên Bán quyết định chấm dứt giao dịch, từ chối thực hiện tiếp việc chuyển nhượng nhà máy. Bên mua đã chuẩn bị cho một vụ kiện khủng với mức yêu cầu bồi thường lên đến hàng chục triệu đô la Mỹ cho các khoản chi phí mà họ đã phải gánh chịu trong suốt 9 tháng vừa qua và những thiệt hại ước tính do bên bán từ chối thực hiện giao dịch. Bên bán cũng đã sẵn sàng đương đầu với hãng luật hàng đầu Singapore mà Bên mua chỉ định, nhằm thoát khỏi giao dịch mà Bên Bán cho rằng mình đã bị lừa dối ngay từ đầu.

Trong giai đoạn hoàn tất/sau khi đã hoàn tất, tranh chấp thường khá phức tạp bởi các bên đã bước sang giai đoạn mới, bên bán đã chuyển giao và bên mua có thể đã tiếp nhận và trực tiếp điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Giai đoạn này, bên mua đã có đủ cơ sở để kiểm tra và có thể phát hiện ra các trường hợp cam đoan và bảo đảm không đúng sự thật, bên mua đã tiếp cận được đầy đủ hồ sơ và nhận thấy có thể yêu cầu áp dụng điều chỉnh giảm giá mua vì một số điều kiện ban đầu không đáp ứng được… Đơn cử như trường hợp tranh chấp xảy ra sau khi các bên đã hoàn tất giao dịch chuyển nhượng một tòa nhà văn phòng có giá trị 120 triệu đô la Mỹ. Sau khi tiếp quản tòa nhà, bên mua phát hiện ra hệ thống xử lý nước thải không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật như cam kết của bên bán. Việc điều chỉnh hệ thống xử lý này tiêu tốn hàng triệu đô la Mỹ để có thể đáp ứng được quy định pháp luật hiện hành. Bên mua có đủ cơ sở để chứng minh bên bán đã cố ý che giấu thông tin dẫn đến bên mua đã không thể biết được trường hợp này. Do vậy, Bên mua yêu cầu điều chỉnh giá chuyển nhượng. Bên bán không đồng ý với các cáo buộc của bên mua vì cho rằng bên mua đã nhận được thông tin này trong quá trình thẩm định kỹ thuật. Tranh chấp được dự kiến sẽ rất phức tạp và kéo dài nếu các bên không thể tìm thấy tiếng nói chung.

Đặc trưng chung trong tranh chấp M&A

Tranh chấp giá trị cao - Có thể nhận thấy điểm chung của các tranh chấp trong hoạt động M&A là thường gắn liền với các tranh chấp có giá trị cao hoặc rất cao, liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp gắn với lợi ích không chỉ của một người mà có thể hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng triệu người (trong trường hợp M&A liên quan đến các tập đoàn đa quốc gia có cơ sở hoạt động ở hàng chục quốc gia khác nhau).

Tranh chấp thường mang tính phức tạp - Bên cạnh đó, tranh chấp trong M&A thường phức tạp vì phần lớn sẽ liên quan đến các sự khác biệt văn hóa và nền tảng pháp lý. Đơn cử như trường hợp bên bán là các cổ đông Việt nam, bên mua là một doanh nghiệp đến từ quốc gia Trung Đông. Việc đàm phán gặp rất nhiều khó khăn vì khác biệt ngôn ngữ và văn hóa, kỳ thị giới tính … dẫn đến rất khó tìm được tiếng nói chung trong giao dịch.

Tính bảo mật thông tin trong M&A - Tiếp đến, tranh chấp trong M&A thường liên quan đến các thông tin mật mà doanh nghiệp thường không bao giờ muốn bị tiết lộ cho bất kỳ bên thứ bao nào khác. Vì thế, thông thường, các bên sẽ chọn trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp trong M&A. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế hòa giải đã được các bên lựa chọn là một giải pháp bổ sung hoặc thay thế cho cơ chế trọng tài bởi những đặc điểm nổi trội và thuận lợi mà phương thức này mang lại.

Hòa giải thương mại – phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp

Hòa giải thương mại là gì và tại sao lại hết sức phù hợp cho việc giải quyết tranh chấp trong hoạt động M&A?

Hòa giải thương mại là cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua một hòa giải viên có khả năng hỗ trợ và thúc đẩy các bên tìm đến một giải pháp có thể giải quyết được mọi xung đột dựa trên lợi ích của cả 2 bên. Hòa giải viên là một người trung lập đóng vai trò trung gian để đưa 2 bên tiến đến lợi ích chung. Trong các phiên hòa giải, Hòa giải viên không đóng vai trò xét xử hay phân định ai đúng ai sai mà thực hiện công việc tìm ra điểm chung của các xung đột nhằm hỗ trợ các bên tìm ra một phương án có thể hóa giải được các vướng mắc đó. Với những kỹ năng được đào tạo phù hợp, Hòa giải viên sẽ hỗ trợ các bên nhìn về lợi ích và tương lai của cuộc “hôn nhân” trong doanh nghiệp nhằm hướng các bên tìm ra một giải pháp có thể hài hòa được lợi ích của cả hai. Việc phân định đúng sai không phải là vấn đề quan trọng, mà mấu chốt là mỗi bên sẽ được gì hay mất gì khi giao dịch bị hủy bỏ?

Điểm thuận lợi lớn nhất của hòa giải là việc giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí của 2 bên. Đối với các doanh nhân, thời gian và cơ hội trong kinh doanh chính là tiền bạc. Khi các bên cùng có thiện chí giải quyết mâu thuẫn, các tranh chấp bất kể là phức tạp như thế nào đều có thể nhanh chóng được giải quyết chỉ trong vài giờ trực tiếp trao đổi thông qua thiện chí. Trong khi đó, nếu đưa tranh chấp ra giải quyết bằng con đường tố tụng tòa án, thời gian có thể tính bằng “năm” thay vì bằng “giờ” tại các phiên họp hòa giải.

Bên cạnh đó, hòa giải hoàn toàn là một quy trình bảo mật “kép”, thông tin được các bên chia sẻ cho hòa giải viên hoàn toàn được bảo mật tuyệt đối: bảo mật đối với bên còn lại và bảo mật đối với bên thứ ba, trừ khi bên tiết lộ thông tin cho phép hòa giải viên cung cấp thông tin đó cho bên còn lại. Chính vì thế, các bên tham gia vào hòa giải có thể hoàn toàn yên tâm chia sẻ những lý do ẩn đằng sau các yêu cầu hoặc mong muốn của mình. Nhờ vậy, hòa giải viên có thể nhanh chóng hỗ trợ được các bên tiến tới một giải pháp giải quyết triệt để các yêu cầu của các bên.

Cuối cùng, hòa giải là một quy trình linh hoạt, do các bên tự nguyện tham gia và chủ động lựa chọn cách thức tham gia (các bên hoàn toàn chủ động lựa chọn địa điểm, thời gian, không gian cho các phiên họp, thậm chí có thể từ bỏ bất kỳ thời điểm nào nếu cảm thấy không thoải mái), không buộc phải tuân theo bất cứ quy trình cụ thể hay cứng nhắc nào, điều này tạo cho các bên tâm lý thoải mái nhất khi tham gia vào quá trình hòa giải.

Vì sao hòa giải thương mại phù hợp để giải quyết tranh chấp trong M&A

Khi nhìn vào bản chất các xung đột trong các giao dịch M&A, có thể thấy rằng bên bán và bên mua đều có mong muốn tiến đến giao dịch và thường phải đầu tư rất nhiều thời gian cũng như chi phí cho việc thẩm định (gồm cả thẩm định kỹ thuật, tài chính và pháp lý), đàm phán hợp đồng (với sự tham gia của đội ngũ luật sư dày dặn kinh nghiệm liên quan), và lên chiến lược lâu dài cho việc sáp nhập, tiếp nhận, hoặc tiếp cận với đội ngũ điều hành mới. Do đó, việc phải chấm dứt giao dịch là điều ít mong muốn nhất.

Thực tế cho thấy trong suốt quá trình từ khi bắt đầu tìm hiểu cho đến khi hoàn tất, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực cũng như sự cân nhắc hài hòa lợi ích giữa 2 bên thì mới có thể đi đến được đoạn cuối của hành trình hoàn tất giao dịch, bởi vì trong M&A, phần lớn các trường hợp “được” của bên này chính là “mất” của bên kia. Sẽ khó tìm được tiếng nói chung nếu 1 bên chỉ chăm chăm bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Vì thế, cũng không sai khi nói rằng mỗi bên cũng đóng vai trò là hòa giải viên khi ngồi lại đàm phán hợp đồng M&A bởi phải luôn tìm ra một giải pháp có thể dung hòa lợi ích giữa 2 bên thay vì chỉ muốn đạt được quyền lợi cho chính mình. Chẳng hạn khi bên mua tuyên bố chỉ đồng ý trả tiền sau khi đã được bàn giao công ty, trong khi bên bán cho rằng chỉ bàn giao công ty sau khi đã nhận đủ tiền. Như vậy, cả 2 sẽ rơi vào tình trạng bế tắc nếu không bên nào nhường bên nào. Thực tế, giải pháp dung hòa cho 2 bên chính là bên mua chuyển tiền vào một tài khoản phong tỏa tại ngân hàng do 2 bên cùng lựa chọn, bên bán tiến hành bàn giao công ty và nhận tiền từ tài khoản phong tỏa khi đã hoàn tất nghĩa vụ của mình theo hợp đồng.

Với trường hợp xung đột đề cập ở trên liên quan đến giao dịch chuyển nhượng nhà máy thực phẩm, vào thời điểm đó, 2 bên đã chấp nhận cùng ngồi lại hòa giải để tìm ra một giải pháp phù hợp với mong đợi của cả 2. Nhờ vào thiện chí của cả 2, mỗi bên đều đồng ý lùi một bước để có thể dung hòa lợi ích và đạt được sự thống nhất để tiếp tục thực hiện giao dịch. Luật sư 2 bên đã thở phào nhẹ nhõm khi cuối cùng giao dịch đã được tiếp tục thực hiện và hoàn tất mà không phải đưa nhau đến bước tố tụng nhằm phân định đúng sai.

Ngày nay, hòa giải đã trở thành một xu hướng chung đang được các tập đoàn đa quốc gia đưa vào chính sách giải quyết tranh chấp chính thức, theo đó, một số tập đoàn bắt buộc phải nghiên cứu phương án hòa giải trước khi tiến tới con đường tố tụng tại tòa án hoặc trọng tài. Với những đặc thù nổi bật của mình, Hòa giải đã và đang được các doanh nghiệp lựa chọn đưa vào phương thức giải quyết tranh chấp trong các thỏa thuận M&A.

This article was published on VMC's website and on Lexology at Link.

Tài nguyên bên ngoài
Tài liệu PDF:
Download PDF
Liên kết bên ngoài:
Open link
There is no external resources
Liên hệ
Đăng ký
Thank you! Your submission has been received!
Oops! Something went wrong while submitting the form.
Ngành nghề liên quan
No items found.